top-banner
top-banner
Đăng nhập
0

Những chiếc máy ảnh kỹ thuật số tiêu biểu của năm 2017

Ngày đăng: 31/12/2017Lượt xem: 2061

Kết thúc 1 năm 2017 với những vui buồn cùng niềm đam mê nhiếp ảnh, hãy cùng điểm lại những mẫu máy ảnh kỹ thuật số cao cấp được bình chọn của năm nhé.

Nikon D850

Những chiếc máy cao cấp của Nikon thường không khiến người dùng thất vọng về trang bị, hiệu suất, …mà ngược lại chúng đem lại rất nhiều khả năng khiến nhiều người bất ngờ. D850 sở hữu cảm biến full-frame đạt độ phân giải lên tới 45,7MP sử dụng công nghệ chiếu sáng sau (BSI), lần đầu tiên được trang bị trong một máy ảnh của Nikon. Nó được hỗ trợ bởi bộ xử lý hình ảnh Expeed 5, cung cấp khả năng quay video 4K (30fps) và phạm vi ISO là 32-102.400.
Kích thước cảm biến lớn cũng đem lại cho D850 dải tương phản động và khả năng khử nhiễu tốt, ngang ngửa với cảm biến Medium Format trên mẫu Fujifilm GFX 50S.


Mặc dù có độ phân giải cao như vậy nhưng tốc độ chụp vẫn được đảm bảo ở mức 7 hình/giây hoặc lên đến 9 hình/giây nếu sử dụng grip pin rời. Bộ nhớ đệm của máy có thể giữ 51 bức ảnh chụp ở định dạng RAW 14-bit hoặc 170 bức ảnh ở định dạng RAW 12-bit. D850 có hiệu suất lấy nét tương đương mẫu máy cao cấp nhất D5, gồm tổng cộng 153 điểm, trong đó có 99 điểm dạng chữ thập mà hiếm có đối thủ nào có thể đánh bại. Màn hình LCD 3,2 inch hỗ trợ lật nghiêng, cảm ứng, 2.36 triệu màu. Một ống ngắm quang học rộng nhất và sáng nhất với độ phóng đại 0,75x cũng là trang bị đáng kể.
Nikon D850 cũng là máy ảnh đầu tiên đạt 100 điểm theo đánh giá của DxOMark. Ở mức ISO cơ sở (50), chất lượng hình ảnh từ cảm biến full-frame của Nikon D850 tương đương với những cảm biến medium-format tốt nhất, chẳng hạn như Phase One IQ180 và Phase One P65 đắt tiền hơn nhiều. D850 đứng thứ nhất về chất lượng cảm biến trong số tất cả các máy ảnh thương mại mà DxOMark đã từng thử nghiệm. Viên pin EN-EL15a - một phiên bản mạnh mẽ hơn pin thông thường của Nikon, hứa hẹn tuổi thọ pin 1.800 lần chụp và 70 giờ quay video. Nikon D850 cũng tương thích với pin EN-EL15 cũ. Bên cạnh đó, máy ảnh này cũng hỗ trợ tính năng Wi-Fi, hỗ trợ Bluetooth, được sử dụng kết hợp với ứng dụng SnapBridge để sao chép hình ảnh tới điện thoại thông minh khi bạn đang chụp. Nhược điểm của Nikon D850 là lấy nét bằng Live View vẫn chưa thực sự nhanh.
Mức giá cho D850 tại Việt Nam là 79 triệu đồng cho thân máy và 92 triệu đồng nếu đi kèm ống kit 24-120 F4G.

Sony A9

Sony A9 là đại diện tiêu biểu cho hệ máy không gương lật (mirrorless) cao cấp nhất của Sony với cảm biến full-frame độ phân giải 24MP hoàn toàn mới nhờ sử dụng công nghệ Stacked BSI-CMOS (Exmor RS). Đây là cảm biến tích hợp bộ nhớ bên trong được xử lý dữ liệu bởi engine tốc độ cao trước khi đưa đến bộ xử lý hình ảnh chính là BIONZ X. Khả năng lấy nét và tốc độ chụp chính là 2 thứ nổi bật nhất trên Sony A9. Máy có thể chụp ảnh liên tục 20 hình/giây nhờ màn trập điện tử đạt tốc độ 1/32.000 giây, theo dõi tốc độ cao với 60 lần đo nét và đo sáng (AF/AE) mỗi giây, hệ thống lấy nét 25 điểm nhận diện pha và 693 điểm nhận diện tương phản với độ phủ 93% diện tích cảm biến. Tốc độ chụp trên A9 được thể hiện khi chụp ở 20fps, màn hình hay EVF cũng không bị hiện tượng blackout (nhấp nháy hình). Ngoài ra A9 còn sở hữu hệ thống chống rung 5 trục, hỗ trợ quay phim 4K (30fps) ở chế độ Super-35 (APS-C), Full-HD (120fps). Về khả năng lưu ảnh, máy có thể chụp được 362 tấm JPEG (Fine), 241 tấm RAW nén, 128 tấm RAW không nén hoặc 118 tấm RAW nén + JPEG.


Thiết kế của Sony A9 vẫn mang nhiều nét tương đồng với dòng A7. Máy trang bị màn hình cảm ứng 3 inch, 1,4 triệu màu. Ống ngắm điện tử có độ phóng đại 0,78x, độ phủ 100%, đạt xấp xỉ 3,7 triệu màu. Thay đổi nhỏ khi trên Sony A9 có thêm núm điều chỉnh điểm lấy nét (joystick), đây là chiếc máy không gương lật đầu tiên có cổng Ethernet để truyền dữ liệu nhanh chóng và hai khe cắm thẻ SD. Viên pin mới NP-FZ100 có công suất gấp hai lần pin cũ trên dòng A7, đáp ứng khoảng 480 bức ảnh mỗi lần sạc đầy.
Nhiếp ảnh gia MichaelAndrews cho rằng nhược điểm của Sony A9 đó là hiệu năng lấy nét trở nên không ổn định khi lấy nét và zoom cận cảnh đồng thời. Các nút menu bị đơ khi máy đang ghi dữ liệu vào thẻ nhớ. Cuối cùng, nhược điểm lớn nhất của Sony là thiếu các ống kính có thể khai thác được sức mạnh của Sony A9.

Canon 6D Mark II

Mẫu máy ảnh full-frame tầm trung 6D Mark II luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người dùng bởi sự phổ biến cũng như những giá trị nó đem lại.
Năm nay, 6D Mark II đem lại nhiều cải tiến nhất là cảm biến CMOS full-frame 26,2MP hoàn toàn mới, có ISO 40.000, cao hơn so với 32.000 của thế hệ trước, chống rung 5 trục điện tử. Việc chỉ quay được video full-HD (60fps) cho thấy Canon không hướng 6D Mark II tới nhóm khách hàng có mục đích làm phim bởi dòng 5D đang làm rất tốt nhiệm vụ này.
Hệ thống lấy nét của 6D Mark II gồm 45 điểm chữ thập, tốc độ chụp liên tiếp 6,5fps, bộ nhớ đệm được mở rộng lên mức tối đa 21 tấm RAW hoặc 150 tấm JPEG khi chụp liên tục, xử lý bởi chip hình ảnh tiên tiến nhất của Canon là Digic 7.


Màn hình LCD của máy cỡ 3 inch, 1,04 triệu màu, hỗ trợ cảm ứng, dễ dàng xoay lật khi mở sang một bên. Các kết nối không dây được trang bị đầy đủ gồm Wi-Fi, NFC, Bluetooth và cả GPS. Thân máy có khả năng chống chịu thời tiết tương đương với mẫu 5D Mark IV đắt tiền hơn.
Điểm trừ lớn nhất trên 6D Mark II có lẽ là dải tương phản động (Dynamic range) không tốt như nhà sản xuất công bố, trong bài thử nghiệm của Dpreview, nó còn thấp hơn các ‘anh em’ 5D Mark IV hoặc 1D X Mark II, thậm chí là 80D. So với thế hệ đầu thì 6D Mark II có Dynamic range tốt hơn một chút ở ISO cao nhưng lại kém hơn ở ISO thấp. Cảm biến mới không được đánh giá cao như cảm biến 5D Mark IV đang sử dụng.

Sony A7RIII

Sony A7RIII ra đời với trọng trách tiếp nối sự thành công của thế hệ A7RII trước đó và có lẽ nó đã không khiến người dùng thất vọng nhờ những cải tiến quan trọng. Đầu tiên phải kể đến khả năng quay video độ phân giải 4K (30fps) HDR với độ phân giải thực lên đến 5K (15 MP) sử dụng công nghệ oversampling cùng công nghệ HLG (Hybrid Log-Gamma) hỗ trợ khả năng hậu kỳ video. A7RIII có thể chụp liên tiếp 4 tấm ảnh khác nhau ở các kênh màu đỏ (red), xanh lá (green) và xanh dương (blue), sau đó ghép lại thành một tấm ảnh hoàn chỉnh nhờ vào tính năng Pixel Shift tương tự trên Pentax K1. Kết hợp với chống rung 5 trục, kết quả cho ra ảnh độ sắc nét cao, khử nhiễu tốt hơn, răng cưa trên các chi tiết và độ sâu màu tốt hơn so với ảnh đơn chụp thông thường phù hợp cho các chủ đề như kiến trúc, sản phẩm, phong cảnh, …
Sony A7RIII vẫn giữ cảm biến BSI độ phân giải 42,2MP như A7RII nhưng đã cải tiến rất nhiều về khả năng xử lý và dải tương phản động (Dynamic range) đạt ngưỡng 15 stop.


Khả năng lấy nét tương tự như trên A9 khi chụp liên tiếp 10fps hoặc 8fps với chế độ live view. Bộ nhớ đệm cho phép A7RIII chụp liên tục tới 87 tấm RAW nén hoặc 28 tấm RAW không nén.
Hệ thống lấy nét 399 điểm lấy nét theo pha, lấy nét tương phản 425 điểm, nút Joystick giúp điều hướng điểm lấy nét khi chụp, 2 khe thẻ nhớ SD, viên pin mới cho thời lượng sử dụng lâu hơn: 530 tấm khi sử dụng EVF và 650 khi dùng màn hình là những gì A7RIII được thừa hưởng từ Sony A9.
Nhược điểm của A7RIII là giao diện điều khiển cảm ứng chưa linh hoạt và không có khe cắm thẻ XQD.

Panasonic Lumix GH5

Không giống với những sản phẩm kể trên, Panasonic Lumix GH5 có phần thiên về khả năng quay video nhiều hơn nhưng chụp hình vẫn rất chất lượng. GH5 có hình dáng thiết kế gần như GH4, chất liệu magiê chống bụi bẩn, độ ẩm. Nút bấm quay video đẩy lên phía trên cạnh nút điều chỉnh ISO và Fn1, cổng micro stereo chuyển cạnh ống ngắm, tuy nhiên đèn flash đã bị loại bỏ.
Tính năng nổi bật nhất của GH5 chắc chắn phải kể tới khả năng quay video 4K 10 bit với tốc độ 60 khung hình/giây, hoặc full-HD 180 khung hình/giây mà không bị nóng máy và không giới hạn thời gian. Bên cạnh đó, máy còn có chế độ chụp ảnh liên tiếp 6K đạt tốc độ 30 khung hình/giây, đây sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có đam mê quay phim.
GH5 sử dụng cảm biến M4/3 mới có độ phân giải 20,3MP cùng với bộ lọc quang học thấp (low-pass filter) giúp tăng độ chi tiết ảnh. Trái tim của GH5 là bộ xử lý Venus Engine mới đem đến sự cải thiện màu sắc, chi tiết và giảm thiểu nhiễu hạt, ISO mở rộng từ 100 lên đến 25.600. GH5 có 225 điểm lấy nét AF (cao hơn GH4 chỉ là 49 điểm), kết hợp với lấy nét tương phản, nhanh hơn 2 lần so với GH4.


Chiếc máy này hỗ trợ bởi hệ thống chống rung 5 trục cùng 5 mức tùy chỉnh, trong đó chống rung quang học 2 trục trên ống kính Panasonic và chống rung 3 trục nằm trên thân máy. So với GH4, giờ đây GH5 có thể chụp RAW từ 21 lên 65 tấm và 21 lên 63 tấm khi chọn RAW + JPG. Khả năng ghi âm của máy có thể đạt đến tần số 48-96KHz tại 16/24bit.
Nhược điểm của Lumix GH5 chính là khả năng chụp ảnh không thực sự ấn tượng, những nâng cấp mà Panasonic dành cho chiếc máy này chỉ ở mức vừa đủ, không quá nổi bật. Đây là điều dễ hiểu, bởi vì Panasonic đã dồn công sức cho mảng quay phim, đây mới là những gì hãng muốn người tiêu dùng chú ý tới.

>>> Tham khảo thêm nhiều dòng máy ảnh phong cách mới tại Mayanh24h

Theo : NghenhinVN

BÀI VIẾT KHÁC

Ý tưởng chụp ảnh độc đáo của Nhiếp Ảnh Gia 14/04/2017 4428

14/04/2017 4428

Nhiếp ảnh gia thương mại – Vatsal Kataria ở New Delhi, Ấn Độ, chụp ảnh lớn với ngân sách nhỏ. Thay vì mua những chiếc xe hơi và xe máy đắt tiền vào những địa điểm lớn ngoài trời, Kataria xây dựng bộ sưu tập thu nhỏ trong phòng thu của mình.

Canon RF 15-30mm f/4.5-6.3 IS STM ống kính zoom góc siêu rộng vừa túi tiền dành cho ngàm RF 27/08/2022 1599

27/08/2022 1599

Canon RF 15-30mm STM Thiết kế quang học sử dụng 2 thấu kính phi cầu kết hợp lớp phủ Super Spectra Coating giảm thiểu các hiện tượng quang sai và giảm bóng mờ, lóa sáng. Cơ chế chống rung quang học đảm bảo ảnh sắc nét.

Máy ảnh Canon G12 vẫn hoạt động tốt sau 2 năm lưu lạc dưới đáy biển 18/04/2018 5054

18/04/2018 5054

Khi mở ra, bên trong là chiếc máy ảnh kỹ thuật số Canon G12 còn nguyên vẹn, thậm chí vẫn còn pin và hoạt động lập tức khi bật nguồn.