top-banner
top-banner
Đăng nhập
0

Thuật ngữ cơ bản trong nhiếp ảnh

Ngày đăng: 15/10/2019Lượt xem: 14881

Bạn mới vừa làm quen với máy ảnh Kỹ thuật số, và còn đang bỡ ngỡ không biết nên bắt đầu từ đâu và chụp như thế nào cho đẹp, để được tự tin hơn khi chụp ảnh trong những chuyến đi chơi cùng với gia đình và bạn bè.

Đương nhiên khi bạn mua máy, nhân viên cửa hàng sẽ hướng dẫn cho bạn một số kỹ năng cơ bản để bạn có thể tự sáng tạo những bức ảnh cho riêng mình. Nhưng, để làm quen với các thông số chi tiết và những thuật ngữ chuyên môn thì cần phải có thời gian. Trong Menu của máy có nhiều chế độ Setting để bạn có thể tùy chỉnh như chế độ lấy nét,chế độ xóa phông,chế độ thủ công. Tùy thuộc vào mỗi đối tượng và hoàn cảnh mà bạn cần phải hiểu rõ các thông số máy ảnh kỹ thuật cơ bản để có thể chụp ảnh theo ý muốn.
Nếu bạn nắm rõ các thuật ngữ để tiện thao tác trên Menu của máy, cài đặt đúng các chức năng theo ý mình muốn, thì bạn sẽ có những bức ảnh ưng ý và hài lòng về khả năng sáng tác ảnh của mình.
Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu vài thuật ngữ cơ bản để cùng làm quen với máy ảnh và tích lũy chút ít kiến thức ban đầu về bộ môn nghệ thuật tinh tế này nhé.

*** DSLR Camera
Viết tắt cụm từ “Digital Single Lens Reflex”, thường được dịch là "máy ảnh kỹ thuật số phản xạ ống kính đơn". Là loại máy ảnh sử dụng gương lật phản xạ, một ống kính có thể tháo lắp hoán đổi. Gương bên trong máy là để hướng hình ảnh (ánh sáng) qua lăng kính ngũ giác đến kính ngắm. Khi chụp ảnh, gương lật lên để không chặn sáng đi qua ống kính tới cảm biến ảnh. Sau này có máy ảnh không sử dụng gương lật phản xạ này, gọi là Mirrorless (không gương lật).

*** Máy ảnh không gương lật - Mirrorless Camera
Về lý thuyết, một máy ảnh không có gương lật, cả điện thoại thông minh hay máy ảnh dùng phim chụp một lần, đều không có gương lật. Nhưng, phổ thông khi nói máy ảnh không gương lật đều có ý nói đến máy ảnh có thể hoán đổi ống kính - MRL - đối thủ của máy ảnh DSLR. Máy ảnh MRL có những lợi thế riêng, nhỏ gọn hơn và nhiều công nghệ hơn, tích hợp ổn định hình ảnh trên thân máy và càng ngày hệ thống kính ngắm điện tử càng có chất lượng rất tốt so với kính ngắm quang qua gương lật của máy ảnh DSLR.

*** Kính ngắm - Viewfinder
Là bộ phận quang học giúp người chụp nhìn thấy những gì sẽ chụp. Đó là cửa sổ hình chữ nhật trên máy ảnh mà bạn có thể nhìn qua đó để thấy hình ảnh sắp chụp. Với máy ảnh DSLR có kính ngắm quang học tức là bạn nhìn trực tiếp cảnh vật thật qua khung ngắm. Các máy ảnh không gương lật MRL thì là kính ngắm điện tử, kiểu như một màn hình LCD nhỏ bên trong ống ngắm cung cấp dữ liệu hình ảnh trực tiếp từ cảm biến ảnh. Kính ngắm quang phản xạ cảnh từ gương lật lên thì không tốn pin; kính ngắm điện tử thì giúp người chụp xem trước chính xác bức ảnh sắp chụp sáng tối màu sắc như thế nào.

*** Multi controller - Joystick: là cái nút có thể nghiêng ngả 4 phương 8 hướng để chọn chức năng cho máy.

*** Eye Cup : là bộ phận nhựa có bọc cao su gắn phía sau View Finder để áp mắt vào ngắm.

*** Battery Grip : là bộ phận lắp pin tăng cường thêm cho máy.

*** Hot shoe : là cái ngàm để gắn đèn Flash rời thêm vào máy.

*** Cân bằng trắng - White balance
Máy ảnh có chức năng cân bằng trắng tự động (AWB) để cân chỉnh các loại ánh sáng khác nhau để có màu sắc phù hợp nhất với bối cảnh sáng, như bối cảnh ánh sáng ngoài nắng, trong nhà đèn huỳnh quang, ánh đèn vàng... Người chụp cũng có thể tự chỉnh cân bằng trắng phù hợp với từng loại ánh sáng khác nhau theo ý muốn riêng.

*** LCD Monitor - Màn hình LCD
Màn hình LCD trên máy ảnh dùng xem ảnh trực tiếp (Live-view), xem để canh khung chụp, hiển thị các tính năng thiết lập cho máy ảnh .......

*** Phong cách ảnh - Picture Style
Trong máy ảnh có các tuỳ chọn phong cách ảnh thế này: Standard (chuẩn mực), Portrait (Chân dung), Landscape (Phong cảnh), Neutral (Trung hoà), Faithful (Trung thực), Monochrome (Đơn sắc). Các tuỳ chọn này được thiết kế sẵn phần nào phù hợp với từng loại ảnh. Người dùng có thể tự tạo phong cách ảnh riêng bằng cách tinh chỉnh màu sắc, tương phản... bên trong hoặc chụp ảnh định dạng RAW (thô) rồi hậu kỳ theo ý muốn.
*** Megapixels
Bề mặt cảm biến ảnh của máy ảnh có các điểm nhạy sáng nhỏ gọi là điểm ảnh. Là thuật ngữ biểu thị đơn vị cho số lượng điểm ảnh của cảm biến máy ảnh. Chẳng hạn nhiều cảm biến máy ảnh hiện có độ phân giải 6000 pixels x 4000 pixels thì nhân ra là cảm biến có tổng số điểm ảnh là 24 megapixels. Độ phân giải (số megapixel) cao thì cung cấp nhiều chi tiết ảnh, nhưng quan trọng hơn vẫn là kích thước cảm biến càng lớn thì chất lượng hình ảnh càng cao. Nhiều điện thoại có cảm biến ảnh lên đến 40 megapixels, nhưng cảm biến rất nhỏ, kích thước từng pixel sẽ rất nhỏ.

*** Kích thước cảm biến - Sensor Size
Như tên gọi là kích thước của cảm biến máy ảnh. Cảm biến máy ảnh có nhiều kích thước khác nhau. Chẳng hạn Fullframe, APS-H, APSC...
Medium Format (không crop): 40.4 × 54 mm
Medium Format (Crop): 33 × 44 mm
Full-Frame: 24 × 36 mm
APS-C: 15.6 × 23.6 mm
Micro Four Thirds: 13 × 17.3 mm
One Inch: 8.8 × 13.2 mm
1/2.5”: 4.3 × 5.8 mm

*** Các chế độ chụp - Camera Modes
Tất cả các máy ảnh số đều hỗ trợ nhiều chế độ chụp để người dùng tuỳ chọn. Các chế độ này thường được điều chỉnh bằng vòng xoay, nút bấm hay lựa chọn trong menu. Các máy ảnh số như DSLR chuyên nghiệp ưu tiên nhiều hơn cho các chế độ cho phép sự can thiệp của người chụp. Các máy ảnh số tầm trung hay bán chuyên thì kết hợp đa dạng các chế độ tự động và có thể một phần can thiệp của người dùng. Các máy ảnh du lịch phổ thông ... thì ưu tiên cho các chế độ chụp tự động.
Các chế độ chụp có thể can thiệp thông số
Các chế độ chụp hoàn toàn tự động
Chọn chế độ chụp: M, A (AV), S (Tv), hay P

*** ISO
Là độ nhạy sáng của cảm biến ảnh, luôn là yếu tố đầu tiên bạn phải thiết lập trên máy ảnh. Điều đó sẽ tạo thành thói quen nhạy cảm với bối cảnh sáng và có thiết lập ISO phù hợp. Trong nhiều tình huống ánh sáng yếu thì đẩy ISO lên cao để có được bức hình kẻo phải tiếc nuối. Bình thường có thể thiết lập ISO tự động, giới hạn cho máy mức cao nhất, để không phải bận tâm đến điều chỉnh yếu tố nhạy sáng này. Chỉ nhớ rằng, lượng nhiễu hạt sẽ tăng dần kh tăng ISO theo tỷ lệ thuận.



*** JPEG
Là một định dạng file ảnh đã trở thành định dạng chuẩn cho ảnh chụp bằng máy số. Ảnh JPEG được máy ảnh xử lý và có thể hiển thị trên các thiết bị khác như máy tính, di động. Trong thực tế, ảnh JPEG thường bị xử lý và nén lại và chỉ có khả năng hiện thị màu 8-bit trong khi ảnh thô RAW là 14-bit. Nên nếu bạn có ý sử dụng file ảnh để hậu kỳ kỹ càng, sử dụng file ảnh để in ấn, lưu trữ về sau thì nên có chọn lưu file ảnh RAW. Ảnh JPEG dùng để sử dụng nhanh gọn đủ xài.
*** RAW
Là định dạng ảnh lưu tín hiệu số từ cảm biến ảnh mà không qua quy trình xử lý hình ảnh trong máy ảnh. Ảnh được dùng để chỉnh sửa hậu kỳ tốt nhất với thợ ảnh. Máy ảnh cho phép lựa chọn lưu song song vừa định dạn JPEG & RAW, nếu có ý lưu trữ hoặc dùng để hậu kỳ kỹ lưỡng về sau thì nên chọn lưu song song. Không có nhu cầu đó, chỉ dùng JPEG nhanh gọn đủ dùng thì chỉ lưu JPEG cho đỡ tốn thẻ nhớ và máy hoạt động nhẹ nhàng hơn.
*** Chế độ chụp thủ công - Manual Mode
Người dùng phải hiệu chỉnh chủ động các thông số về khẩu độ ống kính, tốc độ vận hành của màn trập, độ nhạy sáng ... để có độ phơi sáng phù hợp. Các hãng máy ảnh đều viết tắt là M, nhưng Nikon gọi là Manual mode, Canon gọi là Metered Manual. Chế độ này hay gọi là chế độ chụp manual, chỉnh hoàn toàn bằng tay. Bạn sẽ phải chủ động chọn tốc độ màn trập, khẩu độ cho tất cả mọi cú bấm máy. Đặc biệt, ở chế độ này, bạn có thể chụp tốc độ hoàn toàn chủ động Bulb (bấm máy và màn trập mở liên tục đến khi nào thả nút chụp thì màn trập mới đóng lại) dành cho các trường hợp phơi sáng kéo dài.

*** Lia máy - Panning
Là kỹ thuật chụp đối tượng di chuyển, vừa chụp vừa di chuyển máy ảnh theo đối tượng với tốc độ màn trập chậm tương ứng tốc độ đối tượng di chuyển. Chủ thể trong ảnh vẫn được nằm trong vùng ảnh rõ nét nổi bật trên hậu cảnh vệt mờ.
*** Sharpness
Là mức độ khác nhau về đường nét hiển thị trên ảnh, độ sắc nét cao là không có nét mờ, mọi thứ rõ ràng tách bạch. Thuật ngữ sắc nét (Sharpness) diễn tả sự rõ ràng của từng chi tiết trong một bức ảnh. Ngoài yếu tố chủ đề, bố cục, ánh sáng màu sắc..... thì độ sắc nét là một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hình ảnh. Hai yếu tố căn bản được kết hợp lại tạo nên cảm quan về độ sắc nét của một bức ảnh là độ phân giải (Resolution) và độ sắc (Acutance). Một hình ảnh cần cả hai: độ phân giải cao & độ sắc cao để đạt được độ sắc nét (Shapeness)
--- Độ phân giải - Resolution
Là yếu tố phụ thuộc vào khả năng của máy ảnh, phụ thuộc cảm biến ảnh (Digital Sensor).
Đô phân giải thể hiện khả năng cảm biến của máy ảnh, tách bạch các phần tử gần nhau về không gian của các chi tiết.
Độ phân giải của một bức ảnh không thể cải thiện trong hậu kỳ.
---Độ sắc nét  - Acutance
Là sự thể hiện tốc độ chuyển tiếp các chi tiết hình ảnh tại mép rìa (Edge).
Một ảnh có độ sắc (acutance) cao nghĩa là có cạnh sắc nét chuyển tiếp hình dạng chi tiết (sharp edge), chi tiết rìa mép thể hiện rõ ràng, chuyển tiếp giữa các chi tiết chính xác.
Độ sắc phụ thuộc chất lượng ống kính, nhưng nó có thể được cải thiện nhờ hậu kỳ.

*** Tốc độ màn trập - Shutter Speed
Tốc độ của màn trập là khoảng thời gian ánh sáng sẽ tác động vào bề mặt cảm biến và được điều chỉnh bằng một vòng chỉnh tốc độ trên thân máy (shutter dial). Các chỉ số chỉ tốc độ màn trập là con số tỷ lệ so với 1 giây, như 500 nghĩa là 1/500 giây. Các chỉ số thông thường chỉ tốc độ màn trập: 30s - 15s - 8s - 4s - 2s - 1s - 2 - 4 - 8 - 15 - 30 - 6- - 125 - 250 - 500 - 1000 - 2000 - 4000 - 8000 ...

  • Mỗi nấc tốc độ tương ứng thời gian màn trập mở nhanh gấp đôi nấc đứng trước nó và bằng 1/2 nấc đứng sau nó. 1/125 nhanh gấp đôi tốc độ 1/60 và 1/250 nhanh gấp đôi 1/125 chẳng hạn.
  • Màn trập còn có thể thiết đặt tốc độ B (Bulb) hay T (Time). Khi chọn tốc độ này, chừng nào nút bấm chụp còn nhấn xuống thì màn trập còn mở ra cho cảm biến lộ sáng.

*** Độ sâu trường ảnh (DoF) - Depth of Field
Khoảng ảnh rõ nét trong hình ảnh được gọi là độ sâu trường ảnh, khoảng ảnh rõ nét (DoF). DoF sẽ thay đổi dày hoặc mỏng - khoảng ảnh rõ sâu hoặc cạn / dày hoặc mỏng - phụ thuộc chính yếu vào độ mở của ống kính (khẩu độ). Khẩu độ càng lớn thì vùng ảnh rõ càng mỏng / cạn; khẩu độ càng nhỏ thì vùng ảnh rõ càng dày / sâu. Tuỳ theo mục đích diễn tả nội dung hình ảnh mà bạn chọn độ mở ống kính phù hợp.

*** Khẩu độ - Aperture
Tương tự con ngươi mắt người, khẩu độ là một lỗ mở trong ống kính máy ảnh. Còn gọi là độ mở của ống kính. Khẩu độ càng lớn cho phép nhiều ánh sáng đi qua ống kính, và ngược lại. Vì vậy, người chụp ảnh thích sử dụng khẩu độ ống kính lớn khi điều kiện ánh sáng yếu. Khẩu độ lớn nhỏ đó được biểu thị tỷ lệ: f/1.4, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11, f/16......
Khẩu độ ống kính tác động trực tiếp đến DOF (là khoảng ảnh rõ nét của ảnh - độ sâu trường ảnh). Khẩu độ càng lớn thì khoảng DOF càng mỏng hẹp và ngược lại khẩu độ càng nhỏ thì khoảng rõ DOF càng dày sâu. Ví dụ: tại cùng thời điểm bối cảnh f/2.8 sẽ cho DOF mỏng hơn chụp với khẩu độ f/22......

*** Vùng mờ hậu cảnh chân dung - Bokeh
Bokeh là vùng ảnh nằm ngoài "khoảng ảnh rõ nét" của ảnh hay nói kiểu khác là vùng không rõ nét, bước chuyển mượt mà hoặc kịch tính giữa các vùng khác nhau tạo ra hiệu ứng thị giác. Hiệu ứng hấp dẫn thị giác của Bokeh rất nịnh mắt khi xem một bức ảnh, tạo sự thú vị do độ chuyển của độ sâu trường ảnh. Từ ngữ chữ Bokeh có nguồn gốc là mức độ mờ nhoè của các chi tiết nằm ngoài vùng ảnh rõ nét (out-of-focus areas) thường được tạo ra do cấu trúc lá khẩu của ống kính. Tùy mỗi dạng thiết kế hệ thống lá khẩu bên trong ống kính sẽ tạo ra các dạng bokeh khác nhau.


*** Lấy nét bằng nút sau lưng máy - AF-ON - Back-Button Focus
Nút AF-On dùng để khoá nét thay cho việc giữ nửa nút chụp. Thay vì bấm một nửa nút chụp phía trên máy và giữ để lấy nét rồi bấm nút chụp và mỗi khi chụp lại phải bấm 1/2 như vậy để lấy nét lại, thì bấm nút AF-ON thì máy tự động lấy nét và khoá nét rồi bấm nút chụp tức thì. Sử dụng AF-On giúp thao thác chụp nhanh hơn nhờ khoá nét sẵn tại một khoảng cách. Một số máy không có AF-On thì thiết lập dùng nút AE-L/AF-L làm nút AF-ON. AE-L/AF-L là khoá cả lấy nét và đo sáng, cả khi bạn thả nút chụp.
*** Khoá phơi sáng tự động - AE Lock
Viết tắt từ Auto Exposure Lock. Khi chụp ảnh ở chế độ ưu tiên khẩu độ (A/Av), ưu tiên tốc độ (S/Tv) hay hoàn toàn tự động P (Program), thì khẩu độ ống kính và tốc độ vận hành của màn trập sẽ thay đổi khi máy ảnh tự động phát hiện nguồn sáng ở môi trường xung quanh và có thể thay đổi thiết lập một cách tự động. Với tính năng AE Lock, người chụp khoá cố định khẩu độ ống kính & tốc độ màn trập mà máy ảnh đã thiết lập khi đo sáng, nên lúc thay đổi bối cảnh ánh sáng do người chụp dịch chuyển góc máy hoặc bố cục lại khung hình, thì các thông số phơi sáng cũng không thay đổi tự động. Khi bạn bấm nhẹ nút chụp (nửa cò) rồi giữ yên, hoặc bấm nút AE Lock, chế độ đo sáng được kích hoạt và các thiết lập phơi sáng sẽ bị khoá tại điểm lấy nét.
*** Khoá lấy nét tự động - AF Lock
Viết tắt từ Auto Focus Lock. Ở chế độ tự động, sau khi người chụp lấy nét bằng cách bấm nhẹ nút chụp (nửa cò) hoặc bấm nút AF Lock, chế độ lấy nét được kích hoạt và khoá nét tại đối tượng, nếu máy ảnh có dịch chuyển hay do người chụp bố cục lại khung hình thì điểm đã lấy nét vẫn không thay đổi.
Chế độ lấy nét tự động liên tục - AI Servo AF / AF-C
Máy ảnh sẽ sử dụng chế độ lấy nét tự động liên tục đối tượng di chuyển thay vì lấy nét tự động một lần. Chế độ này đoán trước chuyển động tiếp theo của đối tượng và lấy nét ngay khi đối tượng dịch chuyển. Phù hợp với hoàn cảnh chụp chuyển động, thể thao.....

*** Lấy nét mắt Eye AF Tracking cho phép máy ảnh xác định vị trí và tập trung vào  đôi mắt đối tượng của bạn. Đối với các nhiếp ảnh gia đám cưới và chụp chân dung, khả năng để khóa nét vào mắt thực sự là hữu ích.

*** One shot Focus – Lấy nét cho một cú chụp - Nikon ký hiệu bằng chữ S-Single Focus
Ở chế độ này, máy tự động lấy nét cho đối tượng chụp, nhưng người chụp phải lấy nét mỗi lần cho các cú bấm máy khác nhau.
*** AI Servo focus – Lấy nét liên tục
Continuous focusing – Nikon ký hiệu bằng chữ C
Các máy được trang bị tính năng này, có thể phát hiện đối tượng chuyển động và liên tục điều chỉnh ống kính để bắt nét đối tượng
*** AI Focus – Chế độ trung gian giữa lấy nét một lần và liên tục.
Nó tự điều chỉnh camera về One Shot focus nếu đối tượng đứng yên, và chuyển sang AI servo nếu nó phát hiện đối tượng chuyển động.

*** Temperature WB : cân bằng trắng theo nhiệt độ màu
Các máy có trang bị tính năng này có thể cho phép người chụp tự đặt WB theo nhiệt độ màu, thường thì từ 2.000oK đến 10.000oK, mỗi nấc chênh nhau 1000K.
Mục đích của cân bằng trắng là để có được màu sắc tốt nhất theo ý của người chụp (phản ánh trung thực màu cuộc sống, hay ám tông này tông khác tuỳ theo mục đích sáng tạo)
Khi chụp hình, tuỳ theo tình huống ánh sáng mà người ta chỉnh WB trên máy sao cho nó đáp ứng nhu cầu.
*** Auto WB - cân bằng trắng tự động.
Máy sẽ tự phân tích ánh sáng mà nó thu được để chỉnh WB thích hợp
Daylight - ánh sáng ban ngày ~ 5200oK
Shade - bóng râm ~ 7500oK
Cloudy - trời nhiều mây ~ 6000oK
Lamp - đèn dây tóc ~ 3000oK
Fluorescent - Đèn Neon ~ 4000oK
Flash - đèn chớp ~ 5500oK
*** Nhiệt độ màu - Color temperature
Thang nhiệt độ màu trong nhiếp ảnh được đo bằng đơn vị tính Kelvin (viết tắt là K, hay đọc là nhiệt độ K). Đây là đơn vị đo nhiệt độ màu của ánh sáng phản xạ từ đối tượng được chụp và được tái tạo thành hình ảnh trong máy ảnh. Thang nhiệt độ thường được biểu thị từ tông màu ấm áp đến tông màu lạnh.
*** Color Space - Không gian màu sắc
Các hình ảnh trong cuộc sống thật được tạo nên bởi VÔ SỐ MÀU. Mắt người nhạy cảm với một số lượng màu rất lớn, trong khi đó, các thiết bị thu nhận và tái tạo, cũng như các chương trình xử lý ảnh số phổ biến, chỉ làm việc với một số lượng màu ít hơn nhiều.
*** Custom WB - cân bằng trắng tự chọn.
Chụp một tấm giấy trắng trong điều kiện ánh sáng cụ thể, rồi dùng nó làm căn cứ để đặt làm màu trắng tiêu chuẩn cho phiên chụp hình ở ánh sáng đó.
Chế độ này các anh em quay phim rất cần, ta thường thấy, trước khi bấm máy, mấy anh Camera Assistant đưa một tờ giấy trắng để quay mẫu, đặt WB tiêu chuẩn cho điều kiện ánh sáng cụ thể.
*** WB SHIFT : dịch chuyển cân bằng trắng
Những dòng máy có chế độ này, cho phép người dùng dịch chuyển điểm cân bằng trắng trên đồ thị màu có 2 trục, trục đứng là dịch chuyển Green-Magenta, còn trục ngang là Blue-Amber. Khi WB được dịch chuyển sang điểm khác, máy sẽ chụp ra các tấm hình có màu ám theo thông số đặt trước.

*** Góc nhìn - Angle of View
Góc nhìn là độ rộng của một khung cảnh mà máy ảnh ghi nhận được thành hình ảnh. Góc nhìn thay đổi tuỳ thuộc vào độ dài tiêu cự của ống kính, được quy ước tính bằng mm. Ống kính góc rộng (wide) có góc nhìn rộng và ngược lại ống kính tiêu cự dài (tele) có góc nhìn hẹp hơn.
*** Clear Settings – Xoá bỏ mọi thiết đặt
Nếu bạn cài đặt nhiều thứ trên máy mà vẫn chưa thấy ưng ý, hoặc bị sai lầm trong công đoạn nào đó mà không nhớ, không biết nên khắc phục như thế nào, thì tuyệt chiêu cuối cùng và hiệu quả hơn hết, đó chính là Reset lại máy. Cũng tương tự như thao tác Cài đặt lại khi chúng ta sử dụng Smartphone vậy.
Chức năng Clear settings để xoá bỏ mọi thiết lập cá nhân, trả lại tình trạng thiết lập mặc định ban đầu của máy.
*** Firmware : Có thể tạm gọi là phiên bản để nâng cấp tính năng của thiết bị
Firmware là toàn bộ chức năng của máy ảnh, là bộ thông tin được ghi vào một chip trong máy, nó quyết định tất cả hoạt động của máy. Firmware có thể được nâng cấp để cập nhật thêm chức năng cho máy, hoặc sửa lỗi cho các chức năng có sẵn.
Nâng cấp Firmware là không khó, tuy nhiên, phải hết sức cẩn thận khi làm việc này. Nó có thể làm máy ảnh không sử dụng được nữa, nếu như có lỗi trong quá trình nâng cấp.
Các bạn mới vừa làm quen với máy thì nên hạn chế thao tác chức năng này nhé.

*** Ngược sáng - Backlight
Là nguồn sáng chiếu từ phía sau chủ thể đối diện với ống kính. Ngược sáng tạo độ tương phản cao, tạo bóng trực diện với ống kính. Đây là hướng sáng khó sử dụng nhưng là hướng sáng gây ấn tượng mạnh mẽ và dễ tạo cảm xúc cho người xem, nếu người chụp kiểm soát được.
*** Bracketing (BKT)
Thiết lập chụp bù trừ sáng tự động nhiều tấm một lần bấm nút chụp. Chẳng hạn chụp 3 tấm cùng khung ảnh, một tấm đúng như máy đo sáng, 2 tấm kia thì một thiếu và một thừa 1 khẩu độ chẳng hạn. Để cài đặt tuỳ chọn, vào Menu chọn "Auto Bracking set", chọn AE only nếu chỉ thay đổi phơi sáng hoặc AE flash nếu thay đổi mức đèn flash (nếu có). Nhấn nút BKT, chọn số ảnh trong chuỗi chụp bù trừ và thứ tự ảnh, hiển thị trên màn hình. Mục đích của BKT là để chụp nhiều tấm với các thiết lập phơi sáng khác nhau cùng lúc, tuỳ chọn tấm ưng ý, hoặc chồng các tấm đó lại với nhau thành một tấm để tăng chi tiết ảnh.

*** Ảnh mờ nhoèBlurred shot
Tình trạng bức ảnh chụp đối tượng di chuyển, hoặc máy ảnh rung lắc khiến cho đối tượng cần nét bị mờ nhoè. Cũng có trường hợp người chụp cố ý làm mờ nhoè đối tượng để tạo hiệu ứng chuyển động, còn lại bình thường tình trạng này đều làm cho bức ảnh không thể hiện tốt.
*** Dội sáng đèn - Bounce flash
Khi đánh đèn flash mà đèn hướng vào bờ vách, trần nhà trắng hoặc mặt phẳng trắng sáng nào đó nhằm mục đích tạo sự phản chiếu ánh sáng ngược lại đối tượng cần chụp. Với cách này, ánh sáng dội lại làm phân tán ánh sáng rộng hơn, tạo hiệu quả mềm mại giảm bớt sự tương phản gay gắt và bóng đổ hơn, nhưng lưu ý là cường độ sáng sẽ suy giảm khi đến được đối tượng, nên cần tính toán trước để dùng hiệu quả.
*** Chế độ phơi sáng B trên máy ảnh - Bulb
Là chế độ cho phép mở màn trập phơi sáng chủ động trong thời gian tuỳ ý người dùng. Khi chọn chế độ này, bấm nút chụp, màn trập sẽ mở liên tục trong thời gian người chụp còn giữ nút chụp ở tình trạng bấm xuống, và màn trập sẽ đóng lại khi nút chụp được thả ra.
*** Quang sai màu / sắc sai - Chromatic Aberration
Hiện tượng viền tím được gọi là quang sai hay chính xác hơn là sắc sai, xảy ra khi ánh sáng đi qua hệ thấu kính của ống kính bị sai lệch trở thành một chùm ánh sáng với sự phân tách các lớp màu chuyển dần từ đỏ sang tím. Nguyên nhân là do ánh sáng là tập hợp của 7 màu sắc cơ bản (đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím) có bước sóng từ 300nm đến 700nm. Các tia sáng này có bước sóng hoàn toàn khác nhau, khi chúng khúc xạ qua hệ thấu kính của ống kính sẽ có sự sai lệch điểm nét tại các vị trí khác nhau, và không hội tụ trùng một điểm trên mặt phẳng nét, đó chính là sự tán sắc thành dãy quang phổ hội tụ ngoài điểm ảnh nét. Kết quả từ hiện tượng này là gây ra viền mờ xung quanh đối tượng trong ảnh thu được và phân tán từ đỏ sang tím (màu đỏ - đỏ tươi - xanh lục - xanh dương - vàng - tím). Hiện tượng này xuất hiện càng nhiều khi bức ảnh được chụp trong hoàn cảnh nguồn sáng và đối tượng có sự tương phản sáng cao.
Có hai loại :
* Một loại là được gọi là “bokeh viền ảnh” hay còn gọi là sắc sai trục dọc, viền tím xảy ra khi các tia sáng có bước sóng khác nhau khi đi qua ống kính không hội tụ tại một điểm trên mặt phẳng nét và thậm chí chúng nằm ở vị trí trước hoặc sau điểm nét nhưng đều trên trục tiêu cự. Viền tím xuất hiện xung quanh đối tượng ảnh, và chuyển dần màu tím cả vùng trung tâm. Loại viền tím này thường có trong ảnh chụp bởi ống kính mở khẩu lớn, kể cả ống kính cao cấp đắt tiền.
* Loại thứ hai gọi là sắc sai trục ngang, xảy ra khi các tia sáng có bước sóng khác nhau khi qua ống kính thì tập trung tại các vị trí ở cùng trên mặt phẳng nét nhưng bị phân tán không tại một điểm chung. Khác loại viền tím trên, loại này không xuất hiện ở trung tâm mà nằm ở ven góc của khung ảnh thuộc vùng có tương phản sáng cao và phổ biến với sắc xanh hoặc tím. Loại này thường có trong ảnh chụp bởi ống kính góc rộng hoặc chất lượng kém.
*** Kết cấu các thành phần trong khung ảnh - Composition
Chúng ta thường gọi là "bố cục". Đó là việc người chụp sắp xếp bằng cách chọn sự liên kết các yếu tố / thành phần / vật thể ... xuất hiện trong một khung ảnh. Việc sắp xếp (bố cục) đó nhằm tạo được bức ảnh hài hoà về nội dung và hấp dẫn về thị giác; người chụp sắp xếp bố cục để diễn tả hiệu quả nhất lượng thông tin mà họ muốn lưu giữ và truyền đạt, và có những thủ pháp hấp dẫn thị giác cuốn hút người xem.
*** Hệ số khuếch đại _ Crop Factor
Là hệ số crop được tính tương ứng với kích thước cảm biến máy ảnh full-frame. Các hãng máy ảnh sản xuất máy ảnh song song cả loại cảm biến full-frame song song với crop sensor. Canon có có dòng Crop Sensor có hai tỷ lệ khuếch đại là 1.6x và 1.3x; Nikon, Sony, Pentax... đều theo tỷ lệ khuếch đại 1.5x. Một số dòng mirrorless lại dùng cảm biển có tỷ lệ khuếch đại 2x.
Khi gắn cùng một ống kính trên các máy có kích thước cảm biến khác nhau (hệ số khuếch đại) khác nhau, ta có các khung ảnh khác nhau. Ví dụ ống kính 50mm trên máy ảnh DSLR Full-Frame sẽ có góc thu hình rộng hơn là khi gắn trên máy ảnh DSLR crop sensor. Ống kính 50mm của máy ảnh DSLR full-frame là ống kính normal tiêu chuẩn nhưng khi gắn trên máy ảnh DSLR crop sensor lại là một ống kính góc hẹp hơn, tương đương với một tiêu cự dài hơn. Chẳng hạn ống kính 50mm gắn trên máy ảnh số có bộ cảm biến nhỏ tỷ lệ là 1.6x sẽ là 80mm.

*** Rung máy - Camera shake
Máy ảnh không được giữ cố định khi bấm nút chụp, do tay rung lắc hoặc người chụp có sự dịch chuyển trong khi màn trập máy ảnh mở làm cho ảnh bị mờ nhoè. Tình trạng này thường xảy ra khi tốc độ vận hành của màn trập quá chậm, hoặc đối tượng di chuyển quá nhanh liên tục hoặc sử dụng ống kính tiêu cự dài (tele) mà máy ảnh thì không được cố định.
*** Độ tương phản - Contracst
Thường được dùng để chỉ sự khác biệt về màu sắc giữa các vùng sáng và tối trong một khung ảnh. Khi nói ảnh có độ tương phản cao nghĩa là ảnh có sự thay đổi đột ngột, gay gắt giữa hai vùng có tông màu sáng và tối; nếu nói ảnh có độ tương phản thấp, nghĩa là sự thay đổi (độ chuyển dần) giữa hai vùng ảnh có màu sáng và tối không đột ngột, mềm mại, dễ chịu hơn.
*** Phơi sáng đúng - Correct exposure
Là biểu thị sự kết hợp khẩu độ ống kính & tốc độ vận hành của màn trập cho ra độ sáng & màu sắc trong bức ảnh phù hợp, đúng (có thể đúng ý người chụp) ảnh tự nhiên. Giá trị phơi sáng chính là lượng ánh sáng phù hợp được cảm biến ghi nhận và tái tạo thành hình ảnh. Những trường hợp không đúng, không phù hợp, người chụp sẽ tăng giảm bù trừ lượng sáng để phù hợp.
*** Xem trước độ sâu trường ảnh - Depth Of Field Preview
Là chức năng khi bấm nút DOF Preview trên máy ảnh DSLR. Khi bấm nút xem trước độ sâu trường ảnh, người chụp có thể nhìn thấy được DOF qua ống ngắm của máy ảnh trước khi bấm nút chụp, mục đích để người chụp kiểm soát tốt hơn khoảng ảnh rõ nét mà họ muốn, trước khi quyết định bấm chụp.
*** DPI
Số điểm ảnh có trên mỗi inch (dots per inch). Đơn vị DPI được dùng xác định độ phân giải khi in ảnh, tức là xác định được mật độ điểm ảnh trên mỗi in tương đương 2.54 cm của bức ảnh. Và trên máy ảnh, đơn vị DPI cho biết số lượng điểm ảnh mà máy in đó có thể in được trên mỗi in.

  • ppi (pixels per inch) là mật độ thông tin mà các màn hình có thể thu nhận trên mỗi inch
  • dpi - (dots per inch) là số điểm trên diện tích 01 inch vuông được tính trong in ấn.
*** Nhiễu xạ - Diffraction
Trong một số trường hợp ánh sáng và ống kính, khi khép khẩu quá nhỏ, như f/16, f/22, thậm chí có ống khép nhỏ đến f/32, f/45... thì bạn sẽ bắt đầu thấy ảnh bị mờ hơn. Hiện tượng mờ này trong nhiếp ảnh gọi là hiện tượng nhiễu xạ. Hiện tượng xảy ra với hầu hết các ống kính như một hiện tượng vật lý đương nhiên vậy, ít hoặc nhiều thì tuỳ. Thành ra, chúng ta hay nghe các thầy dạy khuyên không nên khép khẩu quá nhỏ, nhất là khi chụp tốc độ màn trập chập ban đêm (phơi sáng) hay chụp macro thì f/22 là được rồi.
*** Biến dạng - Distortion
Đây cũng là một hiện tượng vật lý đương nhiên xảy ra với mọi ống kính, ít hoặc nhiều. Chúng ta hay gọi là hiện tượng méo ảnh vùng viền, nhất là với các ống góc rộng dễ thấy hơn. Có nhiều ống xem hiện tượng này như một tính năng (vui vẻ như Fisheye). Hiện tượng cong méo càng nhiều về phía các mép ảnh. Có các kiểu biến dạng méo cạnh như cong viền, lõm ảnh, lượn sóng .........

*** EXIF Data
Viết tắt cụm từ: "Exchangeable Image File Format". Đó là thông tin dữ liệu của bức ảnh kỹ thuật số bao gồm tất cả các thông số khi chụp bức ảnh, chẳng hạn bao gồm khẩu độ ống kính, tốc độ màn trập, cân bằng trắng, độ nhạy sáng, sử dụng flash hay không, ảnh đã được chỉnh sửa hậu kỳ bằng phẩn mềm nào, GPS hay thông tin bản quyền... ... Dữ liệu thông tin này được nhúng vào file ảnh khi máy chụp. Dữ liệu này có thể được xem ngay trên máy ảnh (info) hoặc bằng một ứng dụng duyệt ảnh trên máy tính.
*** Đo sáng tổng quát - Evaluative metering
Là một trong các chế độ đo sáng của máy ảnh liên quan đến toàn khung ảnh tại nhiều vùng ảnh hiển thị trong ống ngắm. Chế độ đo sáng sẽ xác định trị số phơi sáng phù hợp mà máy ảnh đề nghị dựa vào vị trí của đối tượng trong một bối cảnh ánh sáng nào đó khi chụp.
*** Phơi sáng - Exposure
Là lượng ánh sáng mà cảm biến nhận được dựa vào việc xác định thông số khẩu độ ống kính, tốc độ màn trập và độ nhạy sáng ISO là một yếu tố khác ảnh hưởng đến độ phơi sáng. Một bức ảnh được cho là phơi sáng phù hợp là kết quả của sự kết hợp hài hoà giữa ba yếu tố đó và bức ảnh được tái hiện màu sắc và độ sáng tự nhiên như khi nhìn bằng mắt. Bức ảnh quá sáng người ta gọi là dư sáng; quá tối người ta gọi là thiếu sáng.
Cùng một cường độ sáng, ta có thể dùng nhiều thời chụp khác nhau, như 1/500s - f/4 thì có thể là 1/250s - f/5.6 để có lượng sáng bằng nhau đi vào cảm biến. Tuỳ theo ý định riêng mà chọn giá trị phơi sáng khác nhau, như muốn đóng bằng hình ảnh chuyển động thì dùng tốc độ màn trập nhanh, mở khẩu độ lớn; hoặc muốn lấy vùng ảnh rõ (DoF) thật sâu thì dùng tốc độ màn trập chậm, khép khẩu độ nhỏ.
*** Bù sáng - Exposure Compensation
Đây là thao tác kỹ thuật của người chụp trên máy ảnh để có được giá trị (độ) phơi sáng đúng thể hiện qua thước đo sáng trong ống ngắm. Sử dụng kỹ thuật bù sáng này để có thể làm cho một vùng trông sáng hơn tối hơn. Trên máy ảnh có nút điều chỉnh +-EV để thực hiện thao tác bù sáng này. Bạn có thể chọn chế độ chụp A - ưu tiên khẩu độ, tức là bạn chọn khẩu tuỳ ý, máy sẽ tự tính các thông số khác, và khi đó bạn có thể bù sáng bằng cách tăng giảm bằng nút +-EV trên máy, vừa nhanh vừa tiện.

*** Thị kính - Eyepiece
Là thấu kính nhỏ tại ống ngắm để người chụp nhìn vào để thấy khung cảnh cần chụp. Thường bên ống ống ngắm, có bánh xe nhỏ để bạn điều chỉnh khúc xạ phù hợp với mắt của người chụp, hay gọi là nút chỉnh độ viễn cận.
*** Tam giác phơi sáng - Exposure Triangle
Tam giác phơi sáng đó là 3 yếu tố dùng để thiết lập máy ảnh trước khi chụp: khẩu độ ống kính - tốc độ màn trập - độ nhạy sáng ISO của cảm biến. Khẩu độ là lỗ trống trong ống kính. Khẩu độ mở lớn sẽ cho ánh áng qua ống kính nhiều hơn và ngược lại. Tốc độ màn trập xác định khoảng thời gian ánh sáng tác dụng tới cảm biến. Tốc độ màn trập càng chập càng dễ tạo mờ nhoè chuyển động, càng nhanh càng dễ đóng băng chuyển động. ISO là độ nhạy sáng của cảm biến hình ảnh. Chỉ số ISO càng cao thì độ nhạy sáng càng tăng, đồng thời độ nhiễu hạt tăng, và ngược lại.
*** Độ dài tiêu cự ống kính - Focal Length
Độ dài tiêu cự hoặc gọi tắt là tiêu cự của một ống kính là khoảng cách từ tâm ống kính tới bề mặt cảm biến khi ống kính lấy nét ở vô cực. Tiêu cự ống kính càng dài thì độ khuếch đại hình ảnh càng lớn. Chỉ số chỉ độ khuếch đại rộng hẹp của cảnh được chụp được tính bằng đơn vị mm trên ống kính. Thông thường người ta dựa vào độ dài tiêu cự để phân biệt ống kính góc rộng và ống kính chụp xa góc hẹp.
*** Focusing
Máy ảnh tạo ra hình ảnh bằng cách tích tụ các tia sáng được phản xạ từ cảnh vật và rọi thành hình trên bề mặt cảm biến. Máy ảnh lấy nét tự động (AF - Auto-focus) sử dụng bộ cảm biến và một hệ thống mô-tơ lấy nét tự động, theo điểm hoặc vùng tự do người chụp tuỳ chọn. Thông thường thì vùng càng gần trung tâm giữa khung ảnh có độ phân giải và độ nét cao hơn vùng càng gần rìa mép ảnh. Sự chênh lệch này càng tăng lên khi ống kính càng được mở lớn khẩu độ và ngược lại.

*** Flash coc – Đèn chớp tích hợp theo máy
Khi chụp hình trong điều kiện thiếu sáng, hoặc ngay cả ban ngày (khi chụp ngược sáng chẳng hạn), ta cần có một nguồn chiếu sáng cho đối tượng được chụp.
*** Flash Diffuser – Chụp tản sáng cho đèn flash
*** Phủ đèn - Fill flash
Là một kỹ thuật thường dùng để chụp chân dung ngoài trời trong bối cảnh ngược hoặc chênh sáng mạnh. Mặt trời nằm phía sau đối tượng chiếu thẳng vào ống kính, hậu cảnh chói sáng trong khi gương mặt chủ thể đối diện ống kính tối đen. Gặp trường hợp này, đo sáng phù hợp với hậu cảnh sáng rồi dùng đèn flash đánh phủ lên chủ thể mẫu chụp để gương mặt được sáng phù hợp và đúng ý muốn.

*** Guide number - Cường độ đèn Flash
Mức độ của đèn flash, thường được viết tắt là chỉ số GN, cho biết khả năng tối đa mà đèn flash có thể chiếu sáng đối tượng trong khoảng cách cụ thể nào đó. Cường độ đèn flash cao thì cự ly phủ sáng càng cao. Khoảng cách phủ sáng của đèn đến đối tượng được tính bằng cách lấy chỉ số cường độ của đèn chia cho chỉ số khẩu độ f. Ví dụ cường độ đèn là 10 chia cho f/2 thì cự ly phủ sáng hiệu quả là 5 mét.
*** Tạo khung ảnh - Framing
Thao tác canh khung bố cục ảnh khi ngắm cảnh vật qua ống ngắm. Việc tạo khung ảnh chính là tạo ra kết cấu các thành phần chính/phụ trong bức ảnh, có bố cục phù hợp, nổi bật đối tượng cần chụp. Học bố cục ảnh là học cách tạo khung ảnh.
*** Cường độ đèn flash - Guide number
Chỉ mức độ của đèn flash, thường được viết tắt là chỉ số GN, cho biết khả năng tối đa mà đèn flash có thể chiếu sáng đối tượng trong khoảng cách cụ thể nào đó. Cường độ đèn flash cao thì cự ly phủ sáng càng cao. Khoảng cách phủ sáng của đèn đến đối tượng được tính bằng cách lấy chỉ số cường độ của đèn chia cho chỉ số khẩu độ f. Ví dụ cường độ đèn là 10 chia cho f/2 thì cự ly phủ sáng hiệu quả là 5 mét.
*** Biểu đồ ánh sáng - Histogram
Là dạng biểu đồ (đồ thị) thể hiện độ sáng của bức ảnh và lượng điểm ảnh ở mỗi mức độ sáng của ảnh. Biểu đồ có trục hoành biểu thị độ sáng và lượng điểm ảnh từ vùng tối đến vùng sáng theo chiều từ trái qua phải. Trục tung biểu thị số lượng điểm ảnh có trong mỗi mức sáng, chẳng hạn nếu thấy nhiều điểm ảnh hơn ở bên trái đồ thị nghĩa là ảnh tối và ngược lại. Biểu đồ có thể xem ngay trên màn hình LCD dưới dạng một phần dữ liệu chụp.

*** Dãy tương phản động - HDR - High Dynamic Range
Cảm biến máy ảnh không thể nhìn thấy chi tiết độ tương phản cao như mắt người. Nếu một khung hình có bóng rất tối và bầu trời rực sáng thì bạn phải chọn ghi hình rõ của một trong hai mà thôi. HDR chính là cách khắc phục khó khăn ở những tình huống ánh sáng khó đó. Cách thực hiện là chụp nhiều tấm với lựa chọn thiết lập phơi sáng chênh lệch khác nhau, rồi dùng phần mềm hậu kỳ chồng các tấm ảnh đó thành một. Ảnh kết quả có dải tương phản cao hơn (high dynamic range - hdr), nhiều chi tiết ở các vùng chênh lệch sáng được giữ lại rõ ràng hơn.
*** Chống rung - Image Stabilization
Là một tính năng công nghệ của ống kính hoặc thân máy ảnh. Hoạt động bằng cách dịch chuyển các thành phần thấu kính bên trong ống kính theo một trục đến nhiều trục để bù trừ cho sự chuyển động tác động lên bộ máy ảnh ống kính. Ổn định thân máy thì được gọi là IBIS, cùng nguyên lý ổn định, nhưng nó dịch chuyển trực tiếp cảm biến ảnh. Cả hai đều rất hữu ích khi người cầm máy chụp ở bối cảnh thiếu sáng, tốc độ màn trập xuống thấp, tay cầm rung lắc máy, việc ống kính hay thân máy có tích hợp công nghệ ổn định hình ảnh rất hữu dụng.

*** Loé sángLens Flare
Là hiện tượng ánh sáng chiếu trực tiếp vào ống kính, các tia sáng ngoài ý muốn đó tạo sự phản chiếu chuyển hướng bên trong các thấu kính của ống kính ảnh hưởng đến các tia sáng phản xạ từ đối tượng được chụp bị loạn sắc, tạo nên hiện tượng loé sáng, phai màu, như một lớp sương mờ phủ trên ảnh. Cái loa che nắng (hood) là một cách hạn chế bớt hiện tượng này, che bớt các tia sáng xiên đi vào ống kính.
*** Phơi sáng lâu - Long Exposure
Khi tốc độ màn trập chụp khoảng vài giây thì thường được coi là chụp với tốc độ màn trập chậm - phơi sáng. Một lý do để chụp với thời gian lộ sáng dài là để làm mờ mọi vật thể chuyển động trong khung hình. Từ ý định ban đầu, việc chọn tốc độ màn trập sẽ tạo ra những bức ảnh chuyển động mờ nhoè có chủ ý. Trường hợp phơi sáng với tốc độ màn trập rất chậm, gắn máy ảnh vào chân máy, các đối tượng di chuyển trong ảnh hoàn toàn không còn hình dáng, chỉ còn các vệt sáng như chúng ta thường thấy.
*** Ống kính chụp ảnh Macro - Macro lens
Ống kính dùng để chụp cận cảnh, có khoảng cách lấy nét tối thiểu rất ngắn, có thể đặt máy ảnh gần đối tượng. Định nghĩa chụp ảnh macro là bất kỳ bức ảnh nào được chụp ở tỷ lệ phóng đại 1:1, tức là có kích thước đối tượng có cùng kích thước trên cảm biến máy ảnh giống như ngoài đời thực. Chẳng hạn con kiến có kích thước 1cm lấp đầy cảm biến ảnh 1cm là độ phóng đại đúng tỷ lệ 1:1.
*** Đo sáng - Metering
Là cách máy ảnh nhận ra cường độ ánh áng của một khung cảnh sáng-tối, tương phản, và đưa ra đề nghị thiết lập thông số theo thuật toán nó tự tính. Máy ảnh có hệ thống đo độ sáng của cảnh chụp để từ đó xác định trị số phơi sáng. Có các tuỳ chọn chế độ đo sáng tuỳ thuộc vào các cảnh chụp khác nhau, như đo sáng ma trận, đo sáng một vùng, đo sáng trung tâm, đo sáng điểm. Hệ thống đo sáng của máy ảnh không phải lúc nào cũng đúng / hoàn hảo. Nó có thể bị đánh lừa khi có nhiều vùng sáng / màu chênh lệch phức tạp trong cùng bối cảnh chụp.
*** Nhiễu ảnh - Noise
Tình trạng hạt thô xuất hiện trên ảnh có chất lượng thấp, thường do chụp trong hoàn cảnh thiếu sáng và với độ nhạy sáng ISO quá cao. Cũng có trường hợp chụp với ISO thấp nhưng hậu kỳ tăng sáng quá mức. Trong hậu kỳ, có thể dùng phần mềm để khử nhiễu, nhưng rất dễ làm cho màu sắc mất tự nhiên.

BÀI VIẾT KHÁC

Chụp ảnh đẹp với Fujifilm X-A7 07/12/2020 8363

07/12/2020 8363

Fujifilm X-A7 với thiết kế gọn nhẹ, thời trang...phù hợp với nhu cầu chụp đường phố, chân dung và đi du lịch, thích hợp cho người mới làm quen với máy ảnh kỹ thuật số. Chất lượng hình ảnh cũng như Video tuyệt vời, sẽ làm hài lòng người dùng

Lấy nét tự động trong nhiếp ảnh 01/12/2017 3467

01/12/2017 3467

Lấy nét chính là công việc cực kỳ quan trọng và quyết định rất lớn đến chất lượng hình ảnh của bạn. Điều này quan trọng đến mức các nhà sãn xuất đua nhau phát triển công nghệ cho chiếc máy ảnh của mình sao cho có thể lấy nét nhanh nhất, chính xác nhất

Bảo quản máy ảnh Kỹ thuật số 12/05/2019 5323

12/05/2019 5323

Cũng giống như bất kỳ thiết bị điện tử nào, máy ảnh cũng có thể bị hư hỏng khi bị nước vào quá nhiều. Hãy cố gắng tránh nước vào máy ảnh một cách tối đa nhất